Văn hóa lịch sử

Tìm hiểu một số tín ngưỡng liên quan đến canh tác nương rẫy cổ truyền của người Chơ ro (ở ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai)

Người Chơ ro (thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me) ở Việt Nam có khoảng hơn 22.000 người, sống tập trung đông nhất ở tỉnh Đồng Nai, một số cư trú ở tỉnh Bình Phước và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Tại Đồng Nai, địa bàn sinh sống của người Chơ ro chủ yếu ở 5 huyện, thị: Long Khánh, Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu, Long Thành. Theo số liệu điều tra dân số của tỉnh năm 2003, người Chơ ro ở Đồng Nai là 12.267 người, xếp thứ 3 sau người Kinh và người Hoa.

 1. Địa bàn cư trú

Tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, người Chơ ro sống tập trung ở ấp Lý Lịch 1. Khu vực sinh sống của người Chơ ro tại ấp Lý Lịch 1 được hình thành vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX, là khu làng nhà nước quy tập người Chơ ro sinh sống theo chính sách “định canh, định cư”.  Phía đông của ấp Lý Lịch 1 giáp xã Thanh Sơn, huyện định Quán, phía tây giáp ấp 3, phía nam giáp ấp Lý Lịch 2, phía Bắc giáp ấp 1. Theo thống kê của xã Phú Lý năm 2004, tại ấp Lý Lịch 1, người Chơ ro chiếm 447/1892 khẩu thuộc 109/385 hộ. Trong đó có 30 hộ khá, 61 hộ trung bình và 18 hộ nghèo (thu nhập bình quân 1 tháng dưới 170.000đ/ người được tính ở mức nghèo). 

Trước khi ở khu vực ấp Lý Lịch 1, đồng bào Chơ ro cư trú tại Bà Hào, bên dòng sông Đắc Nhênh. Địa danh này ngày nay cách Lý Lịch 1 khoảng 10 km theo đường chim bay, là tên của một phân trường thuộc lâm trường Vĩnh An.[1]

2. Quá trình canh tác nương rẫy và các tín ngưỡng liên quan

Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, người Chơ ro canh tác nương rẫy theo lối cổ truyền: phát, đốt rồi chọc lỗ bỏ hạt.

- Tìm và chuẩn bị đất canh tác

Tìm chọn và quyết định đất canh tác là công việc quan trọng nhất đối với nông nghiệp nương rẫy. Công việc này thường do nam giới đảm nhiệm và quyết định chọn địa bàn canh tác là của già làng hay ở đơn vị nhỏ hơn là người chủ gia đình. Người Chơ ro thường chọn đất bằng phẳng, có rừng tre nứa, ở gần nguồn nước như sông, suối để phát rẫy. Theo kinh nghiệm, đất ở khu vực đó là loại đất màu mỡ, ít cỏ và thuận lợi cho việc tưới tiêu.

Rẫy (mir), thường chỉ canh tác 2 đến 3 năm thì bỏ hoá, rẫy mới canh tác vụ đầu gọi là “răm”, sau đó thành rẫy cũ “re”. Rẫy làm năm đầu nhờ có lớp tro đốt khi phát rẫy nên lối canh tác thường chỉ chọc lỗ tra hạt, rẫy sử dụng từ năm thứ hai trở đi, nếu tiếp tục trồng trọt thì phải cuốc xới nhiều cho đất tơi, xốp.  Người Chơ ro phân biệt rẫy có hai loại: “rẫy đất xám nghèo mùn và độ phì thường chỉ làm 2 vụ đã kiệt màu thì bỏ. Rẫy đất đỏ tươi xốp phì nhiêu hơn có thể trồng 3, 4 vụ liền”[2].

Khi tìm được một khoảng rừng thích hợp, người dân đánh dấu bằng cách chặt một số cây xung quanh, người nào đến sau thấy vậy thì đi tìm mảnh đất khác. Mảnh rẫy cũ nếu bỏ hoang thì không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ ai, ai muốn đến khai thác cũng được. Nhưng thông thường, nếu đến khai thác mảnh đất cũ này, người ta mang rượu, thuốc hút đến gia đình, dòng họ đã khai thác cảm ơn  và xin được khai phá lại. Đó là truyền thống tốt đẹp “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” về khai thác đất đai của người Chơ ro.

Trong quá trình chọn đất và chuẩn bị rẫy, họ không chỉ tin vào kinh nghiệm của bản thân mà còn kỳ vọng rất nhiều ở các thế lực siêu nhiên khác, đặc biệt là sự linh nghiệm của những giấc mơ. Khi chọn được khu vực đất vừa ý, người dân khấn cầu thần rừng (Yang Bri), mong thần rừng báo mộng về đất đã chọn. Đêm hôm đó, nếu người dân không mơ thấy điều gì hoặc mơ thấy suối và núi có nghĩa là khu đất được chọn là nơi tốt, có thể làm rẫy được. Ngược lại, nếu mơ thấy con cọp, con cá trê thì khu đất đó khó canh tác, phải bỏ đi và tìm ở nơi khác. Theo lời giải thích của ông Điểu Nơi (là nông dân ở ấp Lý lịch, xã Phú Lý) “cọp là loài thú dữ, vì vậy mảnh đất đó sẽ không lành, khó yên ổn để canh tác; cá trê là loài vật có ngạnh, nếu gieo trồng trên khu vực đất đó sẽ không suôn sẻ, canh tác không hiệu quả, con cái trong gia đình dễ bị đau ốm”.

Ngày hôm sau, người chủ nhà kể cho các thành viên trong gia đình nghe về giấc mơ của mình và quyết định có sử dụng khu đất đó hay không. Nếu không, họ sẽ đi tìm khu rừng khác để khai phá. Nếu chọn, họ dọn quang một khoảng nhỏ trong khu đất đó để cúng thần rừng (Yang Bri), thần rẫy (Yang mir). Lễ vật là con gà, chai rượu, thuốc lá. Người chủ gia đình khấn đại ý xin phép thần rừng, thần rẫy cho họ được canh tác trên khu đất này.

Sau khi tiến hành các thủ tục lễ nghi với khu rừng đã chọn, người dân tiến hành phát, đốn cây rừng, thời gian chờ cho khô nỏ khoảng một tháng rồi đốt. Trước khi đốt, họ thường dọn dẹp cây khô tạo thành các vành đai an toàn xung quanh khu vực rẫy, nhằm hạn chế khả năng cháy lan sang các cánh rừng lân cận. Người Chơ ro thường đốt rẫy vào buổi sáng sớm, thời gian gió lặng nhất trong ngày và họ tránh đốt rẫy vào những ngày gió lớn.

Lối canh tác của người Chơ ro cũng giống như những dân tộc ở Tây Nguyên, họ du canh du cư, nhưng du cư ít, chủ yếu du canh. Người Chơ ro canh tác theo vòng tròn xung quanh nơi ở, bán kính khoảng 3km. Khi rẫy cũ hết màu mỡ, họ bỏ đi khai thác vùng đất lân cận. Chu kỳ canh tác vòng tròn quanh khu vự cư trú, bỏ hoá để cho đất nghỉ thường từ 8 đến 12 năm - thời gian cho rừng tái sinh rồi canh tác trở lại. Qua điều tra, phỏng vấn, chúng tôi thấy việc dòng họ, buôn làng nào bỏ nơi ở cũ ra đi là rất hiếm nếu nơi đó không bị chiến tranh hay dịch bệnh. Vấn đề bỏ làng ra đi tìm khu đất ở mới phải được các ông đầu nhang (xem 2.3.1: Tổ chức buôn làng) cùng già làng họp và quyết định.

-         Công cụ lao động:

          Trong khi khai thác rừng làm rẫy, người Chơ ro dùng những dụng cụ như:  rìu (xuông), dùng để chặt cây to; rựa quéo (bra), chà gạc (yih), dùng để chặt cành, cây nhỏ, tre nứa, phát các bụi dây leo, nay một số nơi không dùng chà gạc mà dùng rựa như của người Kinh; gậy chọc lỗ bỏ hạt (la moi)... Hiện nay, người Chơ ro đã phát triển ruộng nước bên cạnh việc canh tác nương rẫy. Tại nhiều xã ở các huyện Xuân Lộc, Định Quán, Long Thành... đồng bào Chơ ro canh tác ruộng nước, với việc sử dụng cày (war) sức kéo của trâu như người Việt.

Bên cạnh đó, người dân còn sử dụng các loại nông cụ như: cào (xơ băm) để gom cỏ, cuốc nhỏ để làm cỏ rẫy, cái nạo cỏ (nil) làm các loại cỏ nhỏ mới mọc sau mưa... Công cụ thu hoạch lúa trước đây sử dụng phổ biến kéo nhắt lúa (knhel), sau này họ dùng liềm gặt như người Kinh. Người Chơ ro dùng gùi để đựng sản phẩm thu hoạch. Gùi có nhiều loại: gùi đan kín (prông) để đựng thóc, ngô, đậu và các nông sản khác; gùi đan thưa (jal) đựng trái cây, củ; gùi đi săn (xaat so)...

Giống nông sản:

Người Chơ ro chọn giống gieo trồng theo từng loại rẫy, loại đất. Lúa tẻ có các loại: vatom, va koh, va brau yang, va djul, va kop, va man, va thuc, va chap chay...

Một số giống lúa nếp như: chpai skar, n’hpal chrau jro, va xom, va con brih, bram bray boh...

Các loại giống khác như ngô (xom), khoai lang (bum brăng), sắn (bum blang)... phù hợp với từng loại đất và từng khu vực gieo trồng trong rẫy.

-         Gieo trồng và chăm sóc rẫy

Rẫy của người Chơ ro còn mang nặng tính chất đa canh. Cách phân bố các loại cây trồng trên rẫy cũng có những nét đặc trưng riêng, độc đáo. Các loại cây trồng của người Chơ ro thường được phân bố trên rẫy như sau:

Vòng ngoài của rẫy trồng chuối, bụi sả, cà (plân) và các loại dây leo như: bầu (tôh), bí xanh (ra buôl), bí đỏ (ploi), mướp (pai vuynh), dưa leo (ra pung)...

Vòng tiếp thep họ trồng khoai mì (sắn) (bum blang), khoai lang (bung brăng), củ chụp (bum brih)...

Người dân Chơ ro coi hai vòng này là những hàng rào bảo vệ các cây lương thực chính trong rẫy của họ: lúa, ngô. Hai loại cây lương thực này được trồng xen với nhau. Ngô được trồng và thu hoạch trước. Sau khi dọn rẫy, người dân thường chọc lỗ tra hạt ngô chờ mưa, sau khi ngô đã lên cao khoảng 20cm và mưa đã bắt đầu vào mùa, họ mới tiến hành trồng lúa rẫy. Thu hoạch ngô xong, họ chặt ngô để cây lúa phát triển. Một số vùng có trồng xen thêm cây vừng. Thông thường, mùa rẫy của đồng bào Chơ ro được bắt đầu từ sau lễ cúng thần lúa, khoảng trong tháng 3 âm lịch. Tháng 4 đến tháng 7 âm lịch trồng ngô, tháng 5 đến tháng 11 âm lịch làm rẫy lúa.

 

Nông lịch của người Chơ ro thường được bố trí như sau:

 

Tháng 1/khay muôi Tìm và chọn rẫy, khai thác nguồn lợi tự nhiên (săn bắn, đánh bắt cá, lấy dầu chai...)
Tháng 2/khay bar Nông nhàn, khai thác nguồn lợi tự nhiên (săn bắn, đánh bắt cá, lấy dầu chai...)
Tháng 3/khay pe Làm lễ cúng thần lúa, đốt rẫy
Tháng 4/khay puôn Tỉa bắp, trồng các loại cây lương thực xung quanh rẫy (khoai mỳ, khoai lang, bầu, bí...)
Tháng 5/khay prăm Trồng lúa, làm cỏ rẫy
Tháng 6/khay prau Làm cỏ rẫy, thu hoạch bầu, bí, đậu
Tháng 7/khay pơ Thu hoạch bắp và các loại hoa màu khác
Tháng 8/khay ph’am Nông nhàn, khai thác nguồn lợi tự nhiên (săn bắn, đánh bắt cá, lấy dầu chai...)
Tháng 9/khay xin Nông nhàn, khai thác nguồn lợi tự nhiên (săn bắn, đánh bắt cá, lấy dầu chai...)
Tháng 10/khay mât Thu hoạch các loại cây lương thực xung quanh rẫy
Tháng 11/khay mât muôi Thu hoạchlúa
Tháng 12/khay mât bar Nông nhàn, khai thác nguồn lợi tự nhiên (săn bắn, đánh bắt cá, lấy dầu chai...)

 

Lối canh tác chọc lỗ tra hạt của người Chơ ro cũng không khác các dân tộc khác. Nam giới cầm hai cây gậy chọc lỗ, gậy được đẽo nhọn một đầu, chọc liên tiếp với động tác mạnh, tạo thành những hố nhỏ thẳng hàng, phụ nữ đi sau lấy hạt giống đựng trong ống nứa, dốc ra tay tra xuống lỗ rồi dùng chân lấp, một người chọc lỗ thường có hai ba người đi sau trỉa hạt. Do đặc tính đất ở Đồng Nai có nhiều kiến và mối, hạt giống trước khi gieo thường được trộn với bột của các loại cây rừng nhằm loại trừ  các côn trùng này. Hiện nay, người dân thường dùng vôi bột, thuốc kiến và dầu diezen thay thế bột cây rừng.

Người Chơ ro rất chú trọng việc kiêng cữ khi làm rẫy. Sau khi đốt rẫy, nếu phát hiện trong rẫy có các con vật như: trăn, rắn, rùa bị chết thì họ bỏ ngay rẫy đó đi tìm rẫy mới. Theo quan niệm của họ, nếu tiếp tục canh tác ở rẫy đó thì những con vật bị chết sẽ gây hoạ, công việc làm ăn không thuận lợi, gia đình có người bị đau ốm, bệnh tật... Nhiều người dân Chơ ro kể lại, thực tế có nhiều trường hợp xảy ra. Người dân không biết đã làm chết các con vật trên trong quá trình đốt rẫy, họ vẫn tiếp tục canh tác. Một thời gian ngắn sau đó, gia đình có người bị bệnh. Họ mời bà bóng đến giúp đỡ. Sau khi “lên đồng”, bà bóng thấy xuất hiện hình ảnh của con vật bị chết trên rẫy và yêu cầu gia chủ bỏ rẫy đó. Một số gia đình tiếc công khai phá, canh tác đất, họ mời bà bóng cúng tạ lỗi  và trả lễ ngay tại rẫy. Đầu tiên, bà bóng khấn, lời khấn đại ý: gia đình lỡ làm chết con trăn (rắn, rùa...) khiến cho gia đình có người mang bệnh, chúng tôi xin tạ lỗi bằng một con gà (hay con vịt) và chai rượu, thuốc lá, cầu xin thần linh chữa khỏi bệnh. Quả nhiên, người bệnh đỡ dần. Khi người bệnh khỏi hẳn, gia đình phải mang lễ vật như bà bóng đã hứa với thần linh để cúng trả lễ tại rẫy. Sau này, khi đất đai khan hiếm, người Chơ ro tổ chức cúng khi đốt rẫy xong để tránh tình trạng trên. Lễ vật thường là một con gà, chai rượu, thuốc lá...

Khi lên rẫy, nếu gặp phải con mang, con mễn, con cù lần thì ngày hôm đó người dân phải quay về nhà nghỉ. Họ cho rằng nếu có đi làm công việc sẽ không hiệu quả và gặp nhiều điều xấu. Đặc biệt, đối với trường hợp con cù lần, nếu gặp họ phải về nhà ngay. Theo  quan niệm của người Chơ ro, con cù lần là loài vật tượng trưng cho cái ác, ma quỷ mang lại tai hoạ cho con người. Bất kỳ lúc nào, đi đâu gặp con vật này, họ đều tránh không đi nữa và cũng không dám quở nó, nếu quở thì nó sẽ hại cho gia đình, dòng họ đó có người mang bệnh tật, đau ốm thường xuyên.

Ngày nay, người Chơ ro không còn đốt rừng làm rẫy, hầu hết đất đai đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Họ gieo trồng và định cư trên mảnh đất của mình, rẫy cũ chuyển thành ruộng, vườn để trồng lúa, chuyên canh ngô, khoai mỳ và các loại cây lương thực khác, canh tác dựa vào thời tiết hai mùa trong năm. 

-         Thu hoạch và bảo quản nông sản

Thời gian thu hoạch lúa rẫy của người Chơ ro thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch.

Khi thu hoạch, người Chơ ro dùng kéo nhắt lúa, cắt từng bông lúa bỏ vào gùi, mang về phơi khô rồi nhập vào kho lúa. Ngày nay, kéo nhắt lúa không còn được sử dụng nữa, người dân thay bằng liềm (lưỡi hái), cắt ngang thân lúa, để thành từng bó, ngay trên rẫy. Sau đó họ dùng một tấm bạt đan bằng cây lùng hoặc cói lót phía dưới, xếp lúa lên trên theo hình tròn, bông lúa quay vào phía trong, thân lúa quay ra ngoài, để một vài ngày ủ cho lúa dễ rụng khi đập, đồng thời tránh mất thời gian khi thu hoạch. Họ phơi khô lúa ngay trên rẫy, rồi dùng gùi vận chuyển về cất vào kho lúa. Lúa cũng được phân ra theo từng loại, để riêng trong các bồ lúa trên nhà kho.

Mỗi gia đình người Chơ ro đều làm một kho lúa gần nhà  ở. Lúa là cây lương thực chính được người Chơ ro coi trọng. Họ không để lúa chung với con người vì sợ làm ô uế thần lúa. Kho được làm lớn hoặc nhỏ tuỳ theo lượng sản phẩm thu hoạch và số khẩu trong gia đình, thông thường kho lúa của đồng bào có diện tích 2mx3m. Kho được thiết kế theo dạng hình nhà sàn, có 4 cột, sàn cao khoảng 1,5m, cửa kho quay về hướng mặt trời mọc. Theo quan niệm của người Chơ ro chiều dài của kho lúa phải được làm song song với hướng di chuyển của mặt trời để ánh nắng từ mặt trời sưởi ấm cho lương thực của họ. Phía dưới sàn, nơi tiếp giáp giữa cột và sàn kho lúa, người ta cưa ngang thân các cây gỗ tròn, dày 10cm, đường kính 50cm-70cm, tách làm đôi và khoét lỗ ở giữa sao cho khi lắp ghép, mảnh gỗ này vừa khít với thân cột nhằm mục đích ngăn cản các loại thú vật như chuột, sóc... leo lên kho ăn lúa. 

3. Thay lời kết luận

- Do điều kiện sống xen cư với người Việt nên các phong tục tập quán và phương thức canh tác ngày càng mờ nhạt, Việt hoá. (ruộng lúa nước)

- Các phương thức canh tác lạc hậu, công với lối sống du canh du cư, phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên…Hình thành các tín ngưỡng …

- ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Đồng Nai phát triển mạnh…, các sinh hoạt văn hoá thay đổi, nhất là các điều kiện vật chất…, các nghi lễ đã dần thay đổi và mai một. Cần nghiên cứu sớm và chi tiết để tìm hiểu những hình thức tôn giáo cổ xưa và các ứng xử về mặt tinh thần của họ trong nông nghiệp.

- Các nghi lễ tín ngưỡng trong nông nghiệp phản ánh sự bất lực của con người trước thiên nhiên, phải trông cậy vào sự phù hộ, giúp đỡ của các lực lượng siêu nhiên.

- Các nghi lễ liên quan trực tiếp đến nương rẫy trở thàn một hệ thống tín ngưỡng gắn chặt với từng bước sinh trưởng của cây lúa rẫy.

- Thần lúa (yang va) được người Chơ ro lấy làm đối tượng thờ cúng trong suốt chu kỳ canh tác nương rẫy, từ A đến Z. Hình tượng thần lúa không chỉ ở người Chơ ro mà còn là tín ngưỡng cổ xưa tồn tại ở nhiều dân tộc vùng Đông Nam á.

Kim Oanh

 Theo Tác giả: Lâm Nhân - Đại học Văn hóa tp. Hồ Chí Minh

       

[1] Theo Già làng Nguyễn Văn Năm, 75 tuổi, ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.

 [2] Chi hội Văn nghệ Dân gian Đồng Nai, Người Châu Ro ở Đồng Nai, NXB Đồng Nai, 1998, tr 13.


Các tin khác trong chuyên mục

>> Huyền bí những đêm đuổi hổ ở Mã Đà (21/01/2014)

>> Nghiên cứu về trang phục cổ truyền của người Chơ ro tại Đồng Nai (22/10/2013)


Trở lại
 
Xem tin theo ngày
Từ Đến
Tìm kiếm theo tiêu đề