Tin tức sự kiện

Nỗ lực bảo vệ voi rừng

Trong vòng nửa tháng qua, voi rừng thường xuyên ra bìa rừng và đến rẫy của người dân tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) để tìm kiếm thức ăn. Do vậy, các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức tuần tra nhằm để vừa bảo vệ voi rừng, vừa không để xảy ra xung đột giữa người và voi.


Voi rừng thuộc KBT TNVH Đồng Nai

 

 “Ngày 5-4, khi đang làm việc trong rừng, chúng tôi nghe tiếng người dân la lớn, cảnh báo có voi ngà lệch xuất hiện. Lúc đó, chúng tôi thật sự hoảng sợ, chỉ biết “bỏ của chạy lấy người”. Tuy nhiên, khi đã ở khoảng cách an toàn, chúng tôi đứng lại quan sát và thấy con voi này khá hiền. Chúng tôi còn dùng điện thoại để ghi hình voi. Hơn 40 năm gắn bó với rừng nhưng đây là lần đầu tiên, tôi được tận mắt nhìn thấy voi trong khung cảnh hoang dã của núi rừng”, ông Tài, nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước TP. Hồ Chí Minh kể lại chuyện mình được gặp voi.

 

 

Voi rừng là loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ (Ảnh: Danh Sơn)

 

Ông Ðặng Văn Long, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Suối Kốp cho biết, nắng hạn kéo dài, các hồ, ao, suối quanh khu vực trạm đã cạn nước. Chính vì vậy, các loài thú lớn, đặc biệt là thú móng vuốt như: bò tót, voi, hươu… phải di chuyển đến khu vực gần nơi dân cư sinh sống để tìm kiếm nguồn thức ăn và nước uống. Ðiều này dẫn đến một số nguy cơ như xảy ra xung đột giữa người và thú, hoặc thú dễ bị những kẻ săn bắt động vật hoang dã tấn công. Do đó, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đã phải tăng cường kiểm tra, phục đêm ở những nơi mà thú có khả năng xuất hiện để kịp thời bảo vệ chúng. Trong quá trình tuần tra, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tìm kiếm để tháo gỡ các loại bẫy thú do “lâm tặc” cài đặt.
  
Trạm trưởng Ðặng Văn Long cho biết thêm, “ông” thường xuất hiện vào ban đêm, khoảng từ 5 giờ chiều hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm lưu ý bà con đi rẫy theo “phương châm” đi muộn về sớm, hạn chế thấp nhất khả năng đối mặt với “ông”, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Trường hợp buổi tối, nếu gặp phải “ông” thì cần tránh rọi đèn vào mắt “ông”. Ðiều đó khiến “ông” dễ bị kích động và có phản ứng tiêu cực.
  
Tính từ đầu năm đến ngày 11-4-2016, voi rừng đã ra khu dân cư 69 lần và gây nên 71 vụ thiệt hại về hoa màu, nông sản của người dân. Đội phản ứng nhanh về voi đã ghi nhận thiệt hại và lập biên bản đối với từng vụ việc. Theo đó, voi đã làm hư hại hơn 4,7 ha mì; hơn 2,1 ha mía; làm gãy và trốc gốc 214 cây điều; hơn 800 cây chuối, hơn 250 cây xoài với tổng trọng lượng trái bị hư hại là gần 22 tấn. Ngoài ra, voi còn làm hư hại một số cây trồng khác như: tiêu, cao su, dừa, bưởi, mít... (Nguồn: Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn)

 

Mong hàng rào điện ngăn voi phá rẫy
 
Dẫn chúng tôi đi thăm những gốc xoài đã bị “ông bồ” (“ông”, hay “ông bồ” là tên người dân địa phương gọi để chỉ voi rừng) quật long gốc, chị Hoàng Thị Thúy (ấp 2, xã Phú Lý) xót xa: “Từ hôm Tết Bính Thân tới giờ “ông” ghé vườn nhà tôi mấy lần, không chỉ ăn xoài trái, “ông” còn quật long gốc, gãy cành gần 20 cây xoài. Thật xót ruột khi nhìn những cây xoài đang cho thu hoạch bị “ông” phá”.
 
 
 
Lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đang đi tuần tra

 
Theo chị Thúy, trung bình mỗi cây xoài cho thu hoạch 100kg. Nếu tính theo giá thu mua thấp nhất là 5.000 đồng/kg mỗi vụ, một cây xoài thu được 500.000 đồng, chưa kể xoài ra trái vụ. Trong khi đó, từ đầu năm đến giờ, voi rừng đã quật ngã hàng chục cây xoài 10 năm tuổi của vườn nhà chị. Ngoài 2 ha xoài 3 mùa kể trên, chị Thúy còn có 4 ha xoài Thái và xoài Úc trồng cách đó chừng 5 cây số. Vườn xoài này mới trồng được 3 năm và đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tuy nhiên, dưới các gốc xoài là những hột xoài đã được voi ăn sạch sẽ phần thịt của trái. Cầm những hột xoài trên tay, chị Thúy nói: ““Ông” ăn khéo lắm, ăn sạch hết, chỉ chừa lại mỗi hạt không. May là vườn xoài này còn thấp, vừa tầm hái của “ông”, chứ không thì “ông” lại quật gốc lên”.
 
 
 
Voi rừng ăn trái xoài để lại hạt
 
Từ nhiều năm nay huyện Vĩnh Cửu đã thành lập đội phản ứng nhanh về voi. Ðội gồm có đại diện chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện và Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn. Ðội thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, tránh xung đột giữa người và voi, thực hiện các biện pháp xua đuổi, đưa voi trở về rừng… Ngoài ra, khi xảy ra thiệt hại do voi gây nên thì lực lượng này còn lập biên bản để gửi lên huyện. Trên cơ sở đó, huyện sẽ tiến hành thẩm định lại. Thông thường, số liệu tổng hợp của 1 năm được tính từ tháng 11 năm trước đến tháng 9 năm sau. Ngoài thời gian trên, voi hiếm khi ra ngoài rẫy của dân. Trên cơ sở đó, UBND huyện tổng hợp số liệu và đề xuất mức hỗ trợ.
 
Từ năm 2007 đến năm 2010, huyện Vĩnh Cửu tiến hành hỗ trợ 1 đợt với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Năm 2011, huyện hỗ trợ tổng số tiền 2,8 tỷ đồng và năm cao nhất là 2012 với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng. Ðây là những năm mà mức hỗ trợ tương đối cao, chẳng hạn, mỗi ha mía bị thiệt hại do voi gây nên bà con có thể được hỗ trợ 35 triệu đồng; mỗi cây xoài bị hư có thể được hỗ trợ từ 300 đến 400.000 đồng. Tuy nhiên, từ năm 2013, mức hỗ trợ đã giảm xuống rất thấp. Theo đó, với mỗi ha mía bị thiệt hại, người dân được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng, mỗi cây xoài bị hư sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng. Chính vì vậy, năm 2013, mặc dù voi làm hư hại diện tích nông sản lớn (82 ha mía, 47 ha mì, 2 nhà tạm…) nhưng tổng số tiền người dân được hỗ trợ chỉ là 620 triệu đồng. Còn từ năm 2014 đến nay người dân chưa nhận được tiền hỗ trợ.
 
 
Voi quật ngã cây xoài của người dân tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu
 
Trường hợp gia đình chị Hoàng Thị Thúy đã nói ở trên với hơn 10 cây xoài bị hư mỗi năm, chị Thúy bị thất thu hơn 5 triệu đồng (tính với mức giá thấp nhất), đó là chưa kể công chăm sóc trong nhiều năm liền. Tuy vậy, đợt hỗ trợ gần đây nhất, chị Thúy cũng chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng. “Mong muốn lớn nhất của người dân chúng tôi là tỉnh sớm thi công và hoàn thành hàng rào điện để ngăn không cho voi ra khu vực vườn rẫy của người dân nữa. Có như vậy, chúng tôi mới yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống”, chị Thúy chia sẻ.
  
Ðẩy nhanh tiến độ dự án hàng rào điện
Ông Nguyễn Văn Dũng (Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðồng Nai) cho biết, dự án bảo tồn voi tỉnh Ðồng Nai đã được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn thẩm định và UBND tỉnh Ðồng Nai phê duyệt với tổng kinh phí hơn 74 tỷ đồng (Trung ương cấp 45 tỷ đồng, còn lại là địa phương). Riêng dự án xây dựng hàng rào điện có bề ngang hành lang rộng 10 m và chiều dài 50 km (30 km hàng rào cố định và 20 km hàng rào di động). Hàng rào đi qua địa bàn 3 xã: Mã Ðà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và Thanh Sơn (huyện Ðịnh Quán). Hiện các thủ tục chuẩn bị cho dự án hàng rào điện về cơ bản đã hoàn thành. Hiện đang chờ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện xong, chủ đầu tư sẽ tiến hành gọi thầu thực hiện dự án.  

 

Theo laodongdongnai.vn

 


Các tin khác trong chuyên mục:

>> Cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của "bảo tàng thiên nhiên nhiệt đới kỳ vĩ nhất thế giới" (31/03/2016)

>> Giải nhiệt ngày hè với lẩu chua cá lăng rau bìm bịp (29/04/2014)

>> Việt Nam làm gì để đối phó với siêu bão? (15/04/2014)

>> KỲ THÚ HỒ TRỊ AN (07/04/2014)

>> Siêu bão Haiyan và những câu hỏi về biến đổi khí hậu (15/11/2013)

>> Hồ chứa nước thủy điện không phải là trò chơi (04/11/2013)

>> Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Có “bù” được rừng bị hủy hoại? (24/04/2013)

>> Thu phí dịch vụ môi trường rừng: Nông dân hưởng 1.200 tỷ đồng (20/02/2013)

>> Lũ lụt hoạt động như thế nào? (Kỳ 1) (30/12/2011)

>> Xuất hiện “lỗ thủng” ozone tại Bắc cực (16/12/2011)


Trở lại
 
Xem tin theo ngày
Từ Đến
Tìm kiếm theo tiêu đề

Video nổi bật

Thống kê Website

Thành Viên Thành Viên:
Mới Nhất Mới Nhất: TerenceAlt46
Mới Hôm Nay Mới Hôm Nay: 53
Mới Hôm Qua Mới Hôm Qua: 41
Số Thành Viên Toàn Bộ: 17417

Thành Viên Online Thành Viên Online:
Khách Khách: 80
Thành Viên Thành Viên: 0
Tổng Số Tổng Cộng: 80

Đang Online Đang Online:

Số lượt truy cập